Quần Đảo Yaeyama – Ishigaki
Chúng ta thường nghe đến cái tên thiên đường biển đảo Ishigaki hay quần đảo Yaeyama.
Thật ra, Ishigaki là đảo chính trong quần đảo Yaeyama gồm khoảng 32 đảo lớn nhỏ, cách đảo chính Okinawa khoảng hơn 400km về hướng Tây Nam. Với khí hậu ấm áp, biển xanh trong, bầu trời cao rộng và những rặng san hô trải dài, nơi đây là 1 trong những điểm dừng chân nổi tiếng của du khách Nhật yêu thích biển và thiên nhiên.
Hãy cùng Oh!Okinawa tìm hiểu những thông tin thú vị của Ishigaki – quần đảo Yaeyama này nhé!
Cách thủ đô Tokyo gần 2000km về phía Tây Nam và cách Okinawa khoảng 411km.
Quần đảo Yaeyama là quần đảo trưc thuộc tỉnh Okinawa với diện tích bằng 1/4 toàn tỉnh Okinawa.
Đảo Iriomote có diện tích lớn thứ 2 và Ishigaki lớn thứ 3 đều thuộc quần đảo Yaeyama (đảo lớn nhất là đảo chính Okinawa)
Trong đó, đảo Ishigaki là hòn đảo trung tâm, cửa ngỏ để kết nối với khoảng 32 hòn đảo lớn bé trong khu vực Yaeyama.
Hiện có khoảng 12 đảo đang có người sinh sống và phục vụ tham quan du lịch có thể kể tên như đảo Ishigaki, đảo Taketomi, đảo Iriomote, đảo Kuroshima, đảo Hatoma, đảo Hateruma, đảo Kohama, đảo Yonaguni… trải dài hơn 120km ôm trọn một khu vực biển rộng lớn.
Quan sát trên bản đồ có thể thấy, đảo cực Tây là Yonaguni thậm chí còn gần Đài Loan hơn so với Nhật Bản (cách Đài Loan 111km).
Khu vực hành chính được phân khu thành 3 khu vực gồm thành phố:
- Ishigaki-shi (đảo Ishigaki và 13 đảo nhỏ không người sống Senkaku)
- Xã Yonaguni-cho (đảo Yonaguni)
- Xã Taketomi-cho (gồm đảo Taketomi và các đảo còn lại).
2. Đặc trưng của từng đảo
Đảo Ishigaki
Diện tích: 222.63 km2
Dân số: 48,328 người
Đảo Taketomi
Diện tích: 5.42 km2
Dân số: 326 người
Nơi còn giữ lại quang cảnh những khu làng nhà mái ngói đỏ của người dân Okinawa xưa. Hòn đảo này được chính phủ Nhật chỉ định là quần thể kiến trúc di sản văn hoá quan trọng cần được bảo tồn.
Ngày nay, trên đảo còn lưu giữ những văn hoá truyền thống như kịch nghệ, đồng ca, các kiến trúc nhà ngói đỏ Okinawa.
Đảo Iriomote
Diện tích: 289.27 km2
Dân số: 2,406 người
Iriomote được gọi là “nơi bí ẩn chưa khám phá” cuối cùng của Nhật Bản.
Hòn đảo lớn thứ 2 trong quần đảo tỉnh Okinawa với diện tích 90% là rừng cận nhiệt đới, tồn tại đa dạng các chủng loài động vật hoang dã, quý hiếm có thể kể đến như mèo rừng Iriomote, chim ưng Kanmuriwashi, cua dừa (yashi kani)…
Đảo Kuroshima
Diện tích: 10.02 km2
Dân số: 218 người
Hòn đảo này có tên gọi là “Hòn đảo trái tim” vì hình dáng đảo trông giống hình trái tim.
Nơi đây nổi tiếng với các nông trại nuôi bò với khoảng 3000 con bò được thả tự do ăn cỏ trên phần lớn đảo. Dân số chỉ khoảng 200 người, bằng 1/13 số lượng bò trên đảo.
Đảo Hatoma
Diện tích: 0.96 km2
Dân số: 43 người
Hatoma là một hòn đảo nhỏ chỉ với khoảng 60 người dân sinh sống. Với khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ bạn có thể đi hết 1 vòng quanh đảo.
Nơi đây còn giữ lại những nét hoang sơ của tự nhiên, những rặng san hô xanh ở bờ biển phía bắc là tuyệt cảnh cho những ai đam mê lặn.
Đảo Hateruma
Diện tích: 12.77 km2
Dân số: 508 người
Là hòn đảo cực Nam của Nhật Bản, do ít ánh đèn điện từ tháng 2~ tháng 6 ở Hateruma có thể quan sát được chòm sao Nam Thập Tự, chòm sao nhỏ nhất trong số 88 chòm sao thiên hà.
Hòn đảo được xưng danh với cái tên “Màu xanh Haruma” do sở hữu một màu biển xanh đậm độc đáo.
Đảo Kohama
Diện tích: 7.84 km2
Dân số: 706 người
Nằm vị trí trung tâm trên bản đồ quần đảo Yaeyama. Hòn đảo nhỏ này là từng làm phim trường cho bộ phim Chura san. Có 1 đài quan sát ngay trên đồi Ufudaki ở giữa đảo, từ đó có thể nhìn thấy những những đảo xung quanh và nếu thời tiết tốt có thế nhìn ngắm được đến tận đảo Hatemaru.
Đảo Yonaguni
Diện tích: 28.95 km2
Dân số: 1,686 người
Đảo cực Tây của lãnh thổ Nhật Bản nổi tiếng với di tích sâu dưới lòng đại dương, cách Đài Loan chỉ khoảng 111km. Để tham quan hòn đảo này cách tiện lợi nhất có lẽ là thuê xe tự lái. Giao thông trên đảo ưu tiên nhất là động vật rồi mới đến người nên bạn chú ý nhé!
Đảo Aragusuku
Diện tích: 3.34 km2
Dân số: 17 người
Là hòn đảo nhỏ chỉ có khoảng 17 người sinh sống. Còn có 1 tên gọi khác là đảo Panari ( trong tiếng địa phương nghĩa là đảo rời) vì hòn đảo này bao gồm 2 đảo Kamiji và đảo Shimoji cách nhau khoảng 400m.
3. Thời tiết – khí hậu
Quần đảo Yaeyama được hình thành và trải dài 400~500km phía Tây Nam Okinawa, thuộc kiểu khí hậu cận nhiệt đới với độ ẩm cao trung bình 72% và suốt 1 năm chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm không quá cao.
Theo cục thống kê năm 2015, nhiệt độ trung bình năm của quần đảo Yaeyama vào khoảng khoảng 24~25 độ C, ấm hơn đảo chính Okinawa khoảng 1,2 độ C. Lượng mưa trung bình năm cao hơn đảo chính, vào khoảng 2100mm.
Vị trí địa lý này, hàng năm Ishigaki đón từ 5~10 cơn bão lớn nhỏ đi ngang qua gây thiệt hại lớn.
4. Thiên nhiên
Yaeyama sở hữu hệ sinh thái độc đáo như rừng ngập mặn, sông ngòi với rừng nguyên sinh rộng lớn. Đảo Ishiomote với 90% diện tích là rừng, với thảm rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn phát triển đến tận cửa sông, hay rặng núi Omodake ở đảo Ishigaki (ngọn cao núi nhất Omoto 526m) là dãy núi cao nhất ở tỉnh Okinawa. Mang ý nghĩa quan trọng đối với thiên nhiên quần đảo Yaeyama.
Các hòn đảo ở Okinawa hầu hết được hình thành từ loại đá vôi Ryukyu cấu thành từ xác san hô hóa thạch. Các đảo ở quần đảo Yaeyama cũng vậy, được hình thành từ việc nâng tầng của các thảm san hô rộng lớn nên đa phần địa hình bằng phẳng.
Ngoài ra, rặng san hô rộng lớn Ishisei giữa 2 đảo Ishigaki và đảo Iriomote là rặng san hô lớn nhất Nhật Bản và được chỉ định thành công viên bảo tồn quốc gia Iriomote-Ishigaki. Trên thế giới nay chỉ còn 1 vài rặng san hô quy mô và đẹp như vậy còn tồn tại.
Hiện nay, các rặng san hô bị giảm đáng kể do phải đối mặt với các loài sao biển gai ăn san hô diện rộng và hiện tượng nước biển ấm lên toàn cầu. Do đó, các hoạt động bảo tồn san hô ngày càng được quan tâm hơn.
Ở các đảo của Yaeyama có rất nhiều các sinh vật quý hiếm được chỉ định bảo tồn của quốc gia như: mèo rừng Iriomote, chim đại bàng(chim ưng Kanmuri), rùa Semaruhako (rùa hộp TQ) …Ở khu vực rừng ngập mặn cửa sông còn phát hiện thấy cua dừa (Yashi kani), cá thòi lòi (minami tobi haze). Các sinh vật biển cũng đa dạng không kém, nổi tiếng với đàn cá mập đầu búa, sao biển gai ở đảo Yonaguni, cá nạng hải (cá nanyo manta 3~5m) ở vịnh Kabira, Ishigaki.
5. Ẩm thực – nông sản
1. Ẩm thực:
Nếu nói về ẩm thực Ishigaki, không thể không nói đến bò wagyu Ishigaki, mì Yaeyama soba và các loại rau củ, cá, hải sản được trồng hay thu hoạch tại quần đảo Yaeyama. Các nguyên liệu này được sử dụng để chế biến từ các món ăn đậm chất truyền thống dân đảo cho đến các món Nhật.
- Bò Ishigaki
Là một thương hiệu bò đen wagyu được nuôi thả ở quần đảo Yaeyama. Có những người sành ăn thậm chí đến tận Ishigaki để thưởng thức món bò này với giá tốt nhất. Các món ăn chủ đạo được chế biến từ bò Ishigaki như: sashimi, bò bít tết, lẩu nhúng, lẩu sukiyaki. Ngoài ra, còn có các món hambeger, cơm bò nắm, gân bò hầm, súp bò, cari bò, sốt bò, há cảo bò và lòng bò nướng…
- Mì Yaeyama soba
Mì Yaeyama soba có sợi mì vàng và tròn hơn so với mì Okinawa soba, đặc trưng phần nước lèo khá thanh và ít béo. Thông thường, các quán sẽ cho vài lát thịt heo ba chỉ đã hầm tẩm gia vị, chả cá và ít hành vào tô mì. Ngoài ra, còn có món mì soki soba, thay vì thịt ba chỉ người ta sẽ thay thế bằng loại thịt heo có gân trong được hầm mềm. Món mì soki soba này rất đáng thử!
- Các món ăn liên quan đến cá, hải sản tươi sống
Các loại hải sản được đánh bắt tươi sống ở xung quanh quần đảo rất phong phú. Được chế biến thành các món như sashimi, hầm tẩm muối kiểu đảo, sushi hay chiên giòn. Loại tôm Kuruma Ebi cũng là đặc sản nơi đây do có khu vực nuôi tôm ở vịnh Nagura. Ngoài ra, các loại tảo biển mozuku, tảo nho biển chứa nhiều khoáng chất và vitamin cũng góp phần làm ẩm thực nơi đây thêm phong phú và giàu chất dinh dưỡng.
- Các món thịt heo
Tỉnh Okinawa nổi tiếng với lượng tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước. Thế nên, các món được chế biến từ thịt cũng khá phong phú và ngon miệng. Không chỉ sử dụng phần thịt, mà các phần khác như nội tạng, tai, móng heo cũng được sử dụng để tạo thành 1 món ăn riêng.
Thương hiệu thịt heo nổi tiếng ở đây được cả nước đánh giá cao đó chính là thịt heo Aguu. Sản lượng nuôi ít và heo non nhỏ (heo sữa), thịt đậm vị mềm và ít béo. Các món được chế biến từ thịt heo ở đây có thể kể tên như heo kho tàu Rafutei, lẩu heo sukiyaki, lẩu nhúng, móng heo hầm, gỏi tai heo mimiga…
Ngoài ra, còn có một món ăn khá ngon và mới chỉ ít người biết đến đó là thịt dê đảo. Được người dân ở đây chế biến thành súp dê và sashimi dê.
2. Nông sản:
Vì là điểm đến của du lịch nên ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao hơn so với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nông phẩm của quần đảo thuộc thời tiết cận nhiệt đới đã cũng cấp và hỗ trợ nhiều cho sinh hoạt của người dân Okinawa.
Cộng thêm, mạng lưới giao thông hàng hoá phát triển nên ngày nay nông sản được gửi đến khắp mọi miền đất nước làm gia tăng giá trị sản xuất.
- Trái dứa (thơm)
Sản lượng: khoảng 2930 tấn (theo thống kế cục nông lâm thuỷ hải sản)
Trong số 7770 tấn dứa thì hết 2930 tấn thuộc sản lượng của quần đảo Yaeyama.
Hơn 1 nữa số dứa của Okinawa được bán sau khi đã gia công đóng hộp…, còn hầu hết dứa Ishigaki được xuất hàng như là một loại trái cây tươi ăn liền. Sản phẩm được bán trực tiếp từ các nông dân hoặc trên các kênh bán hàng trực tuyến. Dứa nơi đây được trồng trên nền đất đỏ phù sa và tắm đầy ánh nắng mặt trời nên nổi tiếng với độ ngọt và mọng nước.
- Bò Wagyu
Doanh thu: khoảng 4 tỷ yên
Ước tính có khoảng 35 ngàn con bò được nuôi trên khắp quần đảo này. Với khí hậu cận nhiệt đới ấm áp và khu vực đất đai rộng lớn, nơi đây thích hợp cho việc nuôi thả bò quy mô lớn. Như ở đảo Kuroshima, có thể bắt gặp ngay hình ảnh những chú bò được nuôi thả và dân số của chúng được cho là gấp 10 lần số dân trên đảo này.
Trong đó, thương hiệu bò nổi tiếng được biết đến trên khắp nước Nhật đó là “Ishigaki gyu”. Thương hiệu bò này được chăm sóc theo một quy chuẩn nhất định công nhận bởi Hội nông nghiệp Nhật Bản JA Okinawa.
- Mía
Sản lượng: khoảng 106 ngàn tấn (theo thống kế cục nông lâm thuỷ hải sản)
Trong tổng sản lượng 937 ngàn tấn mía được thu hoạch ở Okinawa thì Yaeyama có sản lượng khoảng 106 ngàn tấn.
Hiện nay, có 5 đảo ở Yaeyama đang trồng mía để phục vụ việc sản xuất đường đen. Riêng mía Ishigaki được đùng để ép nước hoặc phục vụ du khách trải nghiệm dịch vụ làm đường đen, ép nước mía.
6. Phương tiện di chuyển
Cánh cửa kết nối để đến được quần đảo Yaeyama đó chính là sân bay Shin Ishigaki, đảo Ishigaki.
Mất khoảng 55 phút di chuyển từ sân bay Naha, Okinawa đến Ishigaki, có khoảng 17 chuyến bay/ngày. Việc di chuyển đến Ishigaki ngày càng trở nên thuận lợi khi đều có các chuyến bay thẳng từ các thành phố lớn ở Nhật đến như sân bay Haneda, Narita (Tokyo), sân bay Kansai (Osaka) và sân bay Chubu (Nagoya).
Ishigaki kết nối với các đảo còn lại của Yaeyama bằng tàu cao tốc và phà.
Bến cảng Ishigaki cách sân bay khoảng 20 phút chạy xe và nằm ngay trung tâm thành phố.
Từ Ishigaki di chuyển dễ dàng nhất là đến đảo Taketomi. Mất khoảng 15 phút đi tàu cao tốc và 1 ngày có khoảng 22 chuyến. Nên hoàn toàn có thể tham quan và về trong ngày 1 cách dễ dàng.
Mặt khác để di chuyển đến Hateruma mất khoảng 1~1h20 phút và 1 ngày chỉ có 3 chuyến, nên không phù hợp để đi về trong ngày.
Từ Ishigaki di chuyển đến đảo Yonaguni là xa nhất mất 4 giờ 30 đi phà và 1 tuần chỉ có 2 chuyến. Nên nếu ai dư giả thời gian thì có thể đi phà, nếu không thì sự lựa chọn đi máy bay sẽ tiện lợi hơn. Di chuyển máy bay Ishigaki – Yonaguni mất khoảng 35 phút.
Để chuyến đi tham quan đến các đảo thuận lợi và hiệu quả, các bạn nhớ kiểm tra lịch trình chuyến tàu, thời gian di chuyển và điều kiện thời tiết nhé! Và nhớ là nên để thời gian thong thả 1 chút!
2 Comments
Pingback:
Pingback: