Đảo chính Okinawa,  Đảo Miyako

Quần Đảo Miyako

Nếu bạn là một tín đồ du lịch biển, ắt hẳn đã từng nghe đến cái tên đảo Miyako.

Thường hay xuất hiện trên các quảng cáo đình đám của Nhật về thiên đường biển tuyệt đẹp. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển xanh cát trắng, trong đó bãi biển Yonaha Maehama được đánh giá là bãi biển đẹp nhất “Đông Thái Bình Dương”. Vào năm 2015, cây cầu Irabu dài 3540m được phép lưu thông – cây cầu có tầm nhìn biển đẹp mê hoặc khiến du lịch đến cụm hòn đảo này ngày càng nổi tiếng hơn bao giờ hết.

Nếu có cơ hội hãy một lần đến khám phá vùng biển đảo xinh đẹp này nhé. Còn bây giờ thì hãy cùng Oh!Okinawa tìm hiểu những thông tin thú vị của quần đảo Miyako nhé!

 

Mục lục:

  1. Vị trí địa lý
  2. Đặc trưng của từng đảo
  3. Thời tiết – khí hậu
  4. Thiên nhiên
  5. Ẩm thực
  6. Nông sản – Thủy sản
  7. Lễ hội văn hóa – Du lịch

1. Vị trí địa lý

Quần đảo Miyako nằm ở vị trí ngay giữa của quần đảo Okinawa (các hòn đảo của Okinawa trải dải dài hơn 1000km từ Đông sang Tây).

Cách thành phố Naha khoảng 300km theo hướng Tây Nam và cách đảo Ishigaki khoảng 130km theo hướng Đông Bắc, quần đảo Miyako gồm có 8 hòn đảo lớn nhỏ và đảo Miyako giữ vị trí trung tâm.

Các hòn đảo ở đây được hình thành từ sự nâng tầng của các mảng san hô, nên đảo Miyako là hòn đảo lớn duy nhất ở Okinawa không có sông ngòi, không có núi cao và địa hình khá là bằng phẳng. Chính đặc điểm không có sông ngòi này tạo nên màu nước biển trong vắt độc đáo của quần đảo này.

 

2. Đặc trưng của từng đảo

Quần đảo Miyako và những rặng san hô bao xung quanh nhìn từ trên cao

Quần đảo Miyako gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ (đảo Miyako, đảo Ikema, đảo Ogami, đảo Irabu, đảo Shimoji, đảo Kurima, đảo Tarama, đảo Minna). Trong đó, đảo Miyako giữ vị trí trung tâm và chiếm 70% tổng diện tích quần đảo.

Đặc điểm từng hòn đảo:

Đảo Miyako

Diện tích: 159.26 km2
Dân số:54,464 người (năm 2018) 

Bãi biển Yonaha Maehama

Trung tâm kinh tế, hành chính và giao thông của cả quần đảo.

Quần đảo Miyako có những giá trị văn hóa riêng khác biệt so với đảo chính Okinawa, quần đảo Yaeyama, ngay cả ngôn ngữ địa phương cũng được đánh giá là khó nghe hiểu đối với cả người Nhật.

Vị trí cao nhất cũng chỉ khoảng 114m so với mực nước biển. Đất đai có độ kềm thấp hoặc trung tính nên tổng 52% diện tích đất ở đây là đất canh tác.

Đảo Kurima

Diện tích: 2.84 km2
Dân số: 186 người

Nguồn: kurimazima.net

Hòn đảo ở phía Tây Nam đảo Miyako, chủ yếu là các cánh đồng mía và lá cây thuốc lá để phục vụ nông nghiệp. Năm 1995 cây cầu Kurima dài 1690m nối liền 2 đảo Kurima và đảo Miyako và khiến nơi đây cũng trở thành 1 điểm du lịch với các quán cà phê hướng biển đầy sắc màu. Từ đảo có thể ngắm nhìn bãi biển với màu cát trắng mịn và những rặng san hô tuyệt đẹp.

Đảo Ikema

Diện tích: 2.83 km2
Dân số: 621 người

Nhìn từ cầu Ikema

Hòn đảo ở phía Bắc đảo Miyako, hòn đảo còn giữ lại thiên nhiên hoang sơ và những bãi biển cát trắng bao xung quanh. Từ đây có thể nhìn ngắm rặng san hô nổi tiếng cực lớn “Yajibi” của Nhật Bản. Năm 1992, cây cầu Ikema dài 1425m được hoàn thành nối 2 hòn đảo Ikema – Miyako với nhau và trở thành cây cầu dài nhất Nhật Bản vào thời điểm đó. Ngoài các cánh đồng mía bạt ngàn, người dân ở đây hoạt động chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá.

Nơi đây vẫn giữ được cho mình những phong tục tập quán đậm bản sắc vùng biển đảo.

Đảo Ogami

Diện tích: 0.24 km2
Dân số: 22 người (năm 2019)

Cảng cá Ogami Nguồn: miyakozima.net

Hòn đảo nhỏ với hình dáng kim tự tháp với vỏn vẹn chu vi 40 km. Nhưng được bao bọc bởi thiên nhiên phong phú và các bờ biển đẹp và hầu như rất ít khách du lịch. Đúng với tên gọi của hòn đảo, nơi đây được cho rằng là hòn đảo của các vị thần sinh sống, ngoài khu dân cư thì ở đây hầu hết là các thánh địa hoặc nơi thờ cúng. Khi hòn đảo có sự kiện lễ hội diễn ra sẽ không được phép lên đảo.

 

Đảo Irabu 

Diện tích: 29.06 km2
Dân số: 5054 người

Nguồn: miyakozima.net

Hòn đảo cách đảo Miyako khoảng 8km về phía Tây Bắc, là hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Miyako. Cây cầu Irabu nối liền 2 hòn đảo dài 3,540m mất 10 năm xây dựng được khai thông vào năm 2015 và trở thành cây cầu không thu phí dài nhất Nhật Bản. Chạy bon bon trên cây cầu dài thẳng tắp như dẫn đến vô tận với hai bên là màu biển xanh trong vắt là cảm giác không thể nào quên được của khách du lịch khi đến tham quan nơi đây.

Người dân ở đây sinh hoạt chủ yếu là trồng phía và ngư nghiệp, đánh bắt cá trích từng con là đặc sản khá nổi tiếng của vùng này. Ngoài ra, hòn đảo cũng hấp dẫn khách du lịch với các điểm lặn biển và các đài quan sát có thể ngắm được bờ biển tuyệt đẹp có 1 không 2 ở Nhật.

Đảo Shimoji

Diện tích: 9.68 km2
Dân số: 95 người

Nguồn: sân bay Shimoji

Nối với hòn đảo Irabu nằm liền kế bên bằng 1 con sông dài hẹp với 6 cây cầu bắc ngang qua, nhìn trên bản đồ chúng ta có thể nhầm lẫn 2 hòn đảo là một. Đảo Shimoji còn hoang sơ và chỉ được chú ý sau khi sân bay Shimoji Airport được xây dựng lại mới từ sân tập lái máy bay quân sự thành sân bay phục vụ du lịch vào năm 2019.

Nơi đây còn nổi tiếng với bãi biển 17 END đẹp mê hồn. Bạn có thể chụp cho mình những bức ảnh thú vị ở bãi biển này ngay kế bên khu vực cất cánh và hạ cánh của sân bay.

Đảo Minna

Diện tích: 2.15 km2
Dân số: 2 người

Lặn ngắm san hô ở đảo Minna

Là một hòn đảo nhỏ cách hòn đảo Tarama khoảng 8km về phía Bắc. Hiện nay chỉ có 1 gia đình sinh sống. Không có chuyến tàu định kì nào đến được hòn đảo này, nếu bạn muốn đến tham quan thì phải thuê thuyền riêng hoặc đặt tour với các cty du lịch.

Đảo Tarama

Diện tích: 19.75 km2
Dân số: 1395 người

Hòn đảo cách đảo Miyako khoảng 54km về hướng Tây Nam, có thể xem là ở giữa của 2 cụm quần đảo Ishigaki và Miyako. Hòn đảo đến nay vẫn duy trì được những nét văn hóa độc đáo được cho là khác với 2 quần đảo kể trên. Nơi nổi tiếng với điệu nhảy tháng 8, hàng năm thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu.

Ngoài ra, hòn đảo được kiến tạo từ sự nâng tầng của các rặng san hô nên các sinh vật biển ở đây rất phong phú về mặt số lượng và chủng loại.

Có thể đến đảo Tarama bằng 2 phương tiện phà mất khoảng 2h20 phút hoặc bằng máy bay khoảng 20 phút từ đảo Miyako.

 

3. Thời tiết – Khí hậu

Khí hậu vùng Miyako là khí hậu cận nhiệt đới biển với độ ẩm cao. Có mùa đông khá ấm áp so với đất liền Nhật Bản và mùa hè có gió thổi vào từ biển. Một năm có 4 mùa với nhiệt độ trung bình khoảng 23.3 độ và độ ẩm trung bình khoảng 79%.

Tháng lạnh nhất ở Miyako là tháng 1 và 2 với nhiệt độ khoảng 15~16 độ. Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 vào mùa mưa, thời điểm này lượng mưa có thể tăng hơn 20% so với các tháng khác trong năm (Lượng mưa trung bình mỗi năm 2019.3mm).

 

Sau khi mùa mưa kết thúc, đảo Miyako chính thức vào hè kéo dài đến tận tháng 9. Ban ngày nhiệt độ trên 30 độ và buổi tối khoảng trên 25 độ.

Mùa thu hè cũng là mùa của những cơn bão. Đặc biệt là vào tháng 9, những cơn bão ở đây thường rất mạnh và gây ra những thiệt hại lớn về cơ sở vật chất hoặc làm nhiễm mặn các loại cây trồng. Ngoài ra các phương tiện công cộng như máy bay, tàu thuyền cũng bị ảnh hưởng lịch trình hoạt động. Từ tháng 10 trở đi thời tiết trở nên mát mẻ dễ chịu vào buổi sáng và chiều tối.

4. Thiên nhiên

  • Thiên nhiên

Tuy 52% diện tích quần đảo Miyako dành cho canh tác nhưng phía đông đảo này có hơn 119 hecta rừng nguyên sinh. Được bảo hộ và xây dựng lối đi để phục vụ cho việc quan sát và chăm sóc đa dạng các loài chim và côn trùng. Dù không có rừng rậm, các khu vực rừng ngập mặn trở thành khu khu lý tưởng cho các loài chim tìm kiếm mồi và nghỉ chân. Hàng năm đến mùa chim di cư, đều có một lượng lớn chim ó đến đây nghỉ chân.

  • San hô

Hầu hết các hòn đảo ở Okinawa đều được khởi nguyên từ đá vôi Ryukyu. Quần đảo Miyako cũng được kiến tạo từ tầng đá vôi Ryukyu này. Phía Bắc hòn đảo có dải san hô lớn nhất Nhật Bản “Yabiji”, có độ lớn gần 1/3 diện tích đảo Miyako. Dải san hô Yabiji này chỉ hiện lên trên bề mặt nước biển vài ngày của tháng 4 hàng năm thời điểm khi thủy triều xuống thấp nhất. Khiến nơi đây thu hút khách du lịch và dân lặn đến ghé thăm hiện tượng chỉ thấy được vài ngày trong năm này.

Quần đảo Miyako và những rặng san hô bao xung quanh nhìn từ trên cao

Như các bạn đã biết, các dòng sông thường đem nước mưa, bùn, đất hoặc những gì dòng chảy chúng đi qua và đẩy ra biển. Các đảo ở quần đảo Miyako hầu hết đều không có các dòng sông hoàn chỉnh, chính vì điều này mang lại cho các bờ biển hòn đảo ở đây một màu biển xanh và trong vắt.

Ngoài ra, đảo Miyako còn có các công trình thiên nhiên thú vị như các vách đá dựng đứng ở hải ngạn Higashi Hennazaki, Nishi Hennazaki hay điểm lặn nổi tiếng hồ Tori Ike.

  • Động thực vật

Rùa biển
Cua dừa Yashigani

 

Quần đảo Miyako cũng có nhiều động vật bản địa sinh sống tự nhiên và được chỉ định thành sinh vật cần được bảo tồn của tỉnh như loài cua Miyako Sawagani. Loài chim Miyako Shobin (chủng chim bói cá) và dơi Miyako Kokiku Gashi được cho là đã sinh sống ở đây và hiện nay đã tuyệt chủng.

5. Ẩm thực

Cơm bò hamburger Miyako
Mì soba giò heo

Bạn có biết món ăn đặc trưng nào của ẩm thực Miyako không?

Cách đảo lớn Okinawa 300km nên Miyako có phong cách ẩm thực gần giống với Okinawa nhưng cũng có những đặc trưng riêng nhất định. Điều làm nên đặc trưng cho ẩm thực nơi đây đó chính là rất phong phú về các loại rau đảo, cá ngừ, cua, thịt bò Miyako hoặc các loại trái cây như xoài, chanh dây…

Nhắc đến món ăn đặc trưng của Miyako không thể không nói đến món “Mì Miyako Soba với nước hầm từ cá trích” được cho là “món ăn tâm hồn” của người dân đảo. Ngoài ra món “Bò beefsteak Miyako và thịt nướng Miyako” dạo gần đây cũng trở thành món ăn thương hiệu của quần đảo này.

Món mì Miyako soba với view nhìn ra biển

 

Và món oden đảo với hương vị truyền thống quê và các món ăn sử dụng cá ngừ, cá trích, cua dừa được đánh bắt tươi sống từ biển cũng là những món ăn ngon mà du khách nên thử 1 lần khi đến đây. Thêm vào đó các món tráng miệng với xoài Miyako thì càng không thể bỏ qua: kem tươi xoài, sinh tố xoài, đá bào xoài hay bánh plan xoài…

 

Sinh tố xoài Miyako
Quầy nước tự phục vụ phong cách rất Okinawa

Địa điểm chi tiết các quán ăn và các món ăn nhất định phải thử khi đến Miyako, chúng mình sẽ cập nhập ở bài sau nhé!

6. Nông sản- Ngư nghiệp

Quần đảo Miyako với địa hình bằng phẳng nên diện tích canh tác nông nghiệp chiếm hơn 50% diện tích quần đảo này. Đặc tính đất đỏ kèm đá vôi Ryukyu, nên hầu hết ở đây người dân tập trung cho việc trồng mía và xoài. Nhu cầu về trái cây, rau củ nhiệt đới ở khu vực đất liền ngày càng cao, cũng tạo điều kiện cho nông dân ở đây phát triển trồng thêm các loại cây ăn trái lâu năm và các loại củ quả như mận, ổi, dứa, thăng long, mướp, khổ qua, khoai lang… Ngoài ra, xung quanh quần đảo có dòng hải lưu Nhật Bản (dòng hải lưu ấm) nên ngư nghiệp cũng khá phát triển. Đánh bắt cá bằng các phao đặt nổi hoặc câu cá trích và nuôi trồng tảo mozuku trên diện rộng

Chuối đảo Miyako

Nông sản

  1. Xoài mặt trời

Sản lượng: 604 tấn (theo thống kê hiệp hội thúc đẩy vận tải cây ăn trái Miyako)

Xoài mặt trời được trồng trong nhà kính

Được nuôi trồng nơi khí hậu ấm áp và lượng khoáng chất dinh dưỡng cao, xoài ở Miyako nổi tiếng là một trong những nơi trồng được xoài ở Nhật Bản.

Tuy tùy thuộc vào thời tiết và những năm có nhiều bão sản lượng thu hoạch xoài bị ảnh hưởng. Theo thông kế, tổng sản lượng xoài được thu hoạch Nhật Bản thì khu vực Okinawa chiếm hơn 50% sản lượng trong đó quần đảo Miyako đã chiếm hơn 20%. Xoài Miyako nổi tiếng với chủng loại Awin (Apple Mango) với độ ngọt lên đến 15 độ và thường dành để ăn chin cây.

2. Mía

Sản lượng: khoảng 340 ngàn tấn (Theo thống kê cục Nông lâm thủy sản)

Trong tổng sản lượng 937 ngàn tấn mía được thu hoạch ở Okinawa thì quần đảo Miyako có sản lượng khoảng 340 ngàn tấn chiếm 40% sản lượng mía được thu hoạch ở Okinawa và mía cũng là loại nông sản được trồng nhiều nhất ở đảo Miyako.

3. Muối tuyết

Gồm 18 chủng loại có chứa nhiều loại khoáng chất nhất thế giới (được Guinness công nhận)

Đặc sản muối tuyết Miyako

Các vùng địa phương của Okinawa đều có dòng thương hiệu muối riêng. Ở Miyako được đặc biệt biết đến với thương hiệu muối “Yuki shio” tạm gọi là muối tuyết. Đúng như tên gọi của nó, muội dạng bột rời mịn như tuyết và vị mặn nhẹ nhàng. Được tinh chế từ nguyên liệu là nước biển lấy từ mạch nước biển ngầm thẩm thấu 1 thời gian dài dưới các lớp đá vôi Ryukyu – loại đá đặc trưng của quần đảo. Sau khi được tinh chế vẫn còn giữ được nhiều thành phần khoáng chất trong muối.

Thủy sản

Khu vực biển xung quanh quần đảo Miyako thuộc khu vực biển cận nhiệt, có dòng hải lưu Nhật Bản (dòng hải lưu ấm) nên thuận lợi cho việc đánh bắt cá và nuôi trồng thủy hải sản. Các phương pháp đánh bắt cá truyền thống ở đây có thể kể đến như đánh bắt theo dòng chảy, đặt các phao nổi hoặc câu cần cá trích, các khu vực gần bờ biển thì thả lưới và nuôi trồng tảo mozuku, tôm kuruma ebi trên diện rộng.

Tôm Kuruma Ebi
Sản xuất tảo Mozuku
Tảo nho biển - Umi Budou

7. Lễ hội văn hóa - Du lịch

  • Lễ hội – Điệu nhảy tháng 8

Lễ hội – Điệu nhảy tháng 8 là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 8 ~10 tháng 8 âm lịch hằng năm ở đảo Tarama, quần đảo Miyako và được ghi nhận là tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia. Với ý nghĩa cảm tạ thần linh sau khi kết thúc một vụ mùa thu hoạch.

  • Du lịch

Miyako Island Rock Fetival 2019 Ảnh: Peatix.com

 

Những năm trở lại đây, khách du lịch đến thăm quần đảo Miyako ngày càng tăng nhanh.

Liên tiếp các resort quy mô lớn được xây dựng, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ tham quan du lịch ngày càng được đầu tư và triển khai mạnh mẽ.

Thêm vào đó các giải đấu thể thao quy mô quốc tế được tổ chức ở đây như Giải thi đấu 3 môn phối hợp Triathlon toàn quốc Miyako hay các đợt tập huấn bóng chày chuyên nghiệp tạo cho hòn đảo một hình ảnh thương hiệu “Miyako – Sport Island”.

Ngoài ra, các sự kiện âm nhạc nổi tiếng có thể kể đến như “Kagisuma Music Convention”, “Miyako Island Rock Festival” cũng được tổ chức thành công tại đây. Tạo cú hích du lịch và chào đón ngày càng nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Tài nguyên du lịch của quần đảo Miyako không chỉ có biển xanh, cát trắng và còn có các lễ hội văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân gian thú vị giới thiệu đến du khách.

Bãi biển Furuzamami
Oh!Okinawa

One Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *