Giới thiệu chung
Đảo chính Okinawa

Giới thiệu chung về Okinawa

Okinawa trong quá khứ được biết đến như một quốc gia độc lập – Vương quốc Ryukyu cho đến thời Minh Trị cuối thế kỉ 19. Cụm đảo Okinawa ngày nay trở thành tỉnh Okinawa của Nhật Bản sau kết quả của một lịch sử đầy biến động và thăng trầm.

Ngày nay, Okinawa được biết đến như một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản và cả thế giới. Với văn hóa có bản sắc riêng so với phần còn lại của Nhật Bản, các bãi biển nhiệt đới và rừng rậm…việc di chuyển tham quan đến Okinawa từ đất liền đã trở tiện lợi hơn bao giờ hết.
Song song với sự phát triển sống động và dân số ngày càng đông, Okinawa vẫn giữ cho mình một vẻ đẹp thu hút khách du lịch cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên và nhịp sống biển đảo của mình.

Hãy cùng Oh! Okinawa tìm hiểu về vùng đảo này nhé!

Mục lục:

  1. Vị trí địa lý
  2. Lịch sử Okinawa
  3. Văn hóa (tính cách – trang phục – ngôn ngữ)
  4. Ẩm thực
  5. Phương tiện di chuyển
  6. Thời tiết – khí hậu
  7. Vật giá

1. Vị trí địa lý

Tỉnh Okinawa gồm 160 hòn đảo lớn nhỏ trải dài hơn 400km từ Bắc xuống Nam và hơn 1000km từ Đông sang Tây khu vực biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Trong đó có 49 đảo không có người sinh sống.

  • Thủ phủ chính: thành phố Naha
  • Dân số: 1,459,803 người (thống kê 12/2020)
  • Diện tích: 2,281 km² 
  • Lượng khách trong nước Nhật: hơn 6.8 triệu người/ năm
  • Lượng khách quốc tế: hơn 2.5 triệu người/ năm

Có 4 cụm đảo du lịch chính:

2. Lịch sử Okinawa

Từ thế kỷ 17 trở về trước, Okinawa được biết đến như một vương triều Ryukyu thịnh vượng. Giao thương hàng hóa tấp nập với cả khu vực Châu Á và có ngôn ngữ riêng.

– Vào thời Minh Trị thứ 12 (năm 1879) vương quốc Ryukyu sụp đổ. Tỉnh Okinawa ra đời trở thành 1 phần của lãnh thổ Nhật Bản.

– Sau đó, vùng đảo Okinawa bị cuốn vào các cuộc chiến của chính phủ Nhật Bản từ chiến tranh Thế chiến thứ I đến chiến tranh Nhật-Thanh, chiến tranh Nhật-Nga.

– Bước vào chiến tranh thế giới thứ II, để làm bàn đạp cho Nhật tiến vào châu Á, các đảo của Okinawa tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay phục vụ chiến tranh. Đỉnh điểm là trận Chân Châu Cảng và chiến tranh Thái Bình Dương.

– Chiến tranh ngày càng sa lầy, tháng 10 năm 1944 quân đội Mỹ chính thức tiến vào Okinawa. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, Nhật thua trận và Okinawa được quân đội Mỹ tiếp quản. Và bắt đầu xuất hiện những vấn đề nan giải còn tồn tại đến ngày nay. Mãi 27 năm sau khi chiến tranh kết thúc (tức năm 1972) , Okinawa mới được trao trả về cho Nhật Bản.

– Sau khi trả về lại cho Nhật Bản, ngoại tệ Okinawa chuyển từ đô la sang yên, giao thông chuyển từ chạy hướng bên phải sang bên trái. Ngày nay, vẫn còn một số căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa mặc dù gặp nhiều sự phản đối của người dân địa phương.

Okinawa ngày nay
Để xoa dịu những bất mãn của người dân ở đây vì sự có mặt của các căn cứ quân sự Mỹ và những vấn đề liên quan xảy ra. Chính phủ Nhật Bản đã chi tiền mạnh tay thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tàu điện…cho nơi đây.
Okinawa ngày nay thu hút khách du lịch không chỉ ở vẻ đẹp biển xanh cát trắng thiên nhiên phong phú mà còn ở sự đặc sắc của văn hóa bản địa giao thoa giữa các giá trị phương Tây và Nhật Bản. Các công trình nổi tiếng như: Bảo tàng Okinawa, công viên nước thủy cung Churaumi, con đường mua sắm Kokusai Douri.

3. Văn hóa (tính cách-trang phục-ngôn ngữ)

 

Tính cách

Tính cách người Okinawa được đánh giá khá khác với hầu hết người Nhật ở đảo chính. Thậm chí họ còn gọi mình là “Uchinanchuu “ và phân biệt với người Nhật ở đảo chính là “Naicha “.

Họ có phần gần gũi cởi mở do tính cách biển đảo quanh năm ấm áp. Nhịp sống chậm rãi nên có phần thoải mái trong giờ giấc. Điều này hoàn toàn khác với tính cách người Nhật mà chúng ta thường nghe nói đến – cực kỳ đúng giờ hay luôn đến trước giờ hẹn 10-15 phút.

 

Trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống của Okinawa có tên gọi là 琉装 Ryusou.

Thường được mặc trong lễ cưới hoặc các dịp lễ thành nhân, lễ mừng 13 tuổi… “Ryusou” được sáng tạo từ thời vương quốc Ryukyu nhận sự ảnh hưởng từ “Hán phục” của Trung Quốc và “Kimono” của Nhật, có màu sắc chủ đạo tông hồng đỏ và vàng và thường được nhuộm hình hoa văn cảnh sắc thiên nhiên Okinawa.

Ngôn ngữ

Okinawa thời vương quốc Ryukyu có ngôn ngữ riêng là tiếng Ryukyu được sử dụng khắp các đảo Okinawa và quần đảo Ryubi (thuộc tỉnh Kagoshima). Trải qua một quá trình lịch sử thăng trầm, đã có lúc người dân Okinawa phải sử học cách sử dụng cả 3 ngôn ngữ là tiếng Ruykyu, tiếng Nhật và tiếng Anh.

Kể từ khi Okinawa được trao trả về lại cho Nhật Bản từ tay Mỹ thì tiếng Nhật trở thành ngôn ngữ chính thức được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay.

Một số từ vừng Ryukyu đơn giản mà bạn nên biết khi đến Okinawa:

Tiếng Việt      Tiếng Ryukyu   Tiếng Nhật

Xin chào         Haisai, Haitai    Konnichiwa

Chào mừng   Menso~re         Yokoso

Cảm ơn          Nifeide              Arigatou

Tôi hiểu rồi    Wakayabitan   Wakarimashita

Xin lỗi             Cha~birasai     Gomennasai

Công nhận là thấy cách đọc hoàn toàn khác với tiếng Nhật luôn.

4. Ẩm thực

Mặc dù được bao quanh bởi biển, văn hóa ẩm thực Okinawa có thể nói là “ Bắt đầu từ thịt heo và kết thúc từ thịt heo”. Ngoài thịt heo, nhiều loại rau, tảo, cá địa phương cũng được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn ở Okinawa.

Cách chế biến: về cơ bản hầu hết là các món đã qua gia nhiệt do thời tiết ấm áp hơn nhiều so với những phần còn lại của Nhật Bản. Sau này, còn du nhập thêm một số món ăn từ đất liền Nhật Bản như sushi,sashimi và từ Mỹ như Taco Rice, bò bít tết.

Một số món tiêu biểu có thể điểm qua như: mì soba, các món xào chamburu, cơm taco rice và rượu Awamori.

Ngoài ra, các loại trái cây nhiệt đới như thơm, xoài, ổi, mận cũng là những đặc sản bạn nhất định phải thử khi đến Okinawa.

5. Phương tiện di chuyển

Việc di chuyển đến Okinawa ngày càng trở nên tiện lợi vì nơi này đã trở thành 1 trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản.
Có 2 cách cơ bản để đến Okinawa là máy bay và du thuyền (tàu).

Các hãng hàng không quốc gia và các hãng hàng không giá rẻ đều khai thác chuyến bay đến sân bay Naha từ các tỉnh thành của Nhật hầu như mỗi ngày. Một số hãng giá rẻ có thể kể tên như: Peach, Jetstar, Skymark, Soleed Air…

– Từ Tokyo: có Jetstar,Vanilla Air, Skymark
-Từ Osaka: có Peach Air, Jetstar
-Từ Nagoya: có Jetstar, Skymark, Solaseed Air.

Tùy vào mùa cao điểm hay thấp điểm mà giá vé giao động. Giá vé khứ hồi đợt khuyến mãi có khi chỉ tầm 1man~1man5 yên mà thôi.

Ngoài ra, còn có 1 số đường bay quốc tế đến thẳng Okinawa như: Hongkong, Đài Loan, Thái Lan,

Di chuyển tham quan Okinawa: bạn có thể chọn lựa cho mình một số loại phương tiện phù hợp với chuyến đi của mình nhất. Như thuê xe riêng, taxi, bus tour, bus cao tốc hay tàu điện trên không (nếu di chuyển trong khu vực thành phố Naha).

Chi tiết về cách di chuyển khi tham quan Okinawa hợp lý và tiết kiệm, các bạn có thể theo dõi thêm bài viết ở đây nhé!

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN KHI ĐI DU LỊCH OKINAWA

 

6. Thời tiết - khí hậu

Okinawa nằm ở vùng khí hậu cận nhiệt đới kèm với những đặc trưng của khí hậu vùng biển đảo. Những năm gần đây, do sự ấm lên toàn cầu, những ngày hè oi bức kèm theo gió biển thường rơi vào khoảng 35 độ C, nắng mặt trời khá gắt và những ngày đông nhiệt độ trung bình vào khoảng 15 độ C kèm theo gió Bắc nên cảm giác sẽ lạnh hơn thực tế.

Nhiệt độ trung bình 1 năm:

Cùng so sánh khí hậu trung bình 1 năm ở Okinawa với Tokyo và Hokkaido của Nhật.

Chệnh lệch nhiệt độ giữa các mùa trong năm ở Okinawa thường không quá lớn. Mùa hè dài, mùa xuân và thu cảm giác rất ngắn.

Từ tháng 3 trở đi nhiệt độ không khí cũng như nhiệt độ nước biển tăng lên nên từ tháng 5 đã có thể bắt đầu các hoạt động tắm biển (so với các nơi khác ở Nhật là giữa tháng 7) và có thể vui chơi biển đến hết tháng 10.

Vì Okinawa được bao quanh bởi biển nên độ ẩm khá cao. Đặc biệt vào giữa tháng 5 vào mùa mưa lên đến 80%, tháng 6 có thể lên đến 83%. Nhiệt độ và độ ẩm dễ chịu nhất có lẽ là vào tháng 10.

Lượng mưa hàng năm:

Một năm 365 ngày thì Okinawa trung bình có khoảng 211 ngày nắng (khá ít so với trung bình cả nước Nhật là 217 ngày).

Vì được bao quanh bởi biển nên thời tiết đẽ hình thành mây, lượng mưa trung bình năm lên đến 2000mm (khá cao so với những nơi khác ở Nhật khoảng 1610mm/năm)

Các cơn bão:

Một đặc sản khác của khí hậu Okinawa đó chính là “Bão”

Theo thống kế hàng năm có khoảng 25 ~26 cơn bão đổ bộ vào vùng biển lãnh thổ Nhật thì đến 70~80% đều đi ngang qua Okinawa. Các cơn bão có xu hướng hình thành từ vùng biển phía Nam, những cụm đảo Miyako-jima, Yaeyama (Ishigaki) thường nằm trong hướng đi của bão và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng với sức gió lớn lên đến 40m/s. Khoảng từ cuối tháng 5 đã có thể xuất hiện bão và tháng 8,9 là 2 tháng có tần suất số cơn bão nhiều nhất.

Khi đến du lịch vào những mùa có bão, mọi người chú ý theo dõi thông tin thời tiết, chuyến bay cũng như hướng đi của bão để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhé!

Nếu trong chuyến đi gặp phải bão, mọi người nên tuân thủ theo các cảnh báo của địa phương. Như hạn chế ra ngoài, ở yên trong khách sạn. Ngay cả khi bão đã qua, cũng vẫn còn kèm theo gió mạnh và biển động nên cần hết sức chú ý.

7. Vật giá

Lương bình quân theo năm của Okinawa vào khoảng 333 man/năm khá thấp so với bình quân thu nhập của cả nước là 469 man/ năm.

Thế nên, sẽ có nhiều người nghĩ rằng vật giá và chi phí sinh hoạt ở đây sẽ có phần tương đối rẻ. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Vì yếu tố địa lý biển đảo nên chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, kèm theo khu vực thành phố Naha ngày càng phát triển du lịch khiến cho vật giá đặc biệt là giá nhà ở càng trở nên đắt đỏ hơn.

Điểm qua 1 vài mặt hàng lương thực ta có thể thấy được những loại hàng được nhập từ đất liền luôn có giá nhỉnh hơn so với những mặt hàng được sản xuất và nuôi trồng trong nội thành tỉnh Okinawa.

Ví dụ như rau củ sẽ có giá nhỉnh hơn. Trong khi rượu bia, xăng lại có giá rẻ hơn do được áp dụng giá thuế ưu đãi. Giá taxi cũng rẻ hơn với 550yen khi lên xe.

Thế nên, nói vật giá ở Okinawa rẻ hơn so với mặt bằng chung nước Nhật thì cũng không hẳn. Nhưng nếu hiểu được và ưu tiên chọn lựa các mặt hàng sản xuất nội tỉnh thì có thể tiết kiệm được khoản tiền kha khá cho chi phí sinh hoạt khi đến du lịch hay sinh sống ở đây.

Oh!Okinawa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *